Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Thứ 2, 29/04/2024

Đang duyệt: Trang chủ Tin tức - sự kiện

Nhân dân mới là người cầm quyền thực sự 

Đại hội Đảng lần thứ VI đã kiên quyết loại bỏ cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp và chuyển sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đổi mới chính thức bắt đầu và trong dư luận có suy nghĩ khá giống nhau lại trở về như cũ và cách nói dễ chấp nhận lúc đó là: trở lại cuộc sống bình thường.
 
LTS: Nhằm đáp ứng yêu cầu của bạn đọc, nhất là bạn đọc là cán bộ Mặt trận các cấp, kể từ số báo này, Đại Đoàn kết chủ nhật xin mở một chuyên trang mới mang tên: Chuyện Mặt trận. Trên trang báo này, chính các cán bộ Mặt trận từng kinh qua công tác Mặt trận ở các thời kỳ khác nhau, bằng kinh nghiệm của mình sẽ kể những câu chuyện có thực về công tác Mặt trận. Chúng tôi hy vọng, những câu chuyện ấy không phải chỉ là bài học đáng được chiêm nghiệm, suy ngẫm từ truyền thống vẻ vang của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam trong hơn 8 thập kỷ còn mang tính thời sự nóng hổi cho công tác dân vận, tập hợp và củng cố khối Đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời điểm hiện nay. Chúng tôi cũng mong nhận được sự hưởng ứng của các cán bộ Mặt trận và cộng tác viên gần xa để chuyên mục sinh động và hấp dẫn.
 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch UBTƯMTTQ VN Huỳnh Đảm
dự Ngày hội Đại đoàn kết tại huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình, 2011
 
Đại hội Đảng lần thứ VI đã kiên quyết loại bỏ cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp và chuyển sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đổi mới chính thức bắt đầu và trong dư luận có suy nghĩ khá giống nhau lại trở về như cũ và cách nói dễ chấp nhận lúc đó là: trở lại cuộc sống bình thường. Nhà nước nuôi dân làm sao được với độc nhất chỉ còn kinh tế quốc doanh, dân thành phố Hồ Chí Minh phải ăn bo bo, sắn lát vốn là thức ăn dành  cho chăn nuôi và kiệt quệ đến nỗi phải có tem phiếu mới được mua, cuối cùng nền kinh tế trở về với nhiều thành phần như đã có từ bao đời. Ngăn sông cấm chợ không những bị cấm hẳn, còn bị lên án và những người buôn thúng bán bủng đầu chợ cuối chợ từng một thời gian dài bị lên án là "thành phần phi xã hội chủ nghĩa lại được tung hoành, quả chuối, quả na, con tôm, con tép, còn tươi nguyên lại có bán không lúc nào thiếu ở các thành phố, thị xã. Ngay sau Đại hội VI, còn gọi là Đại hội đổi mới, là Tết Âm lịch đầu năm 1987. Có một cái "cũ” tưởng mãi mãi không còn lại được mọi người vồ vập, hồ hởi là nhiều nơi lại chúc Tết "phát tài”  "giàu hơn năm cũ”. Báo chí dẫn lời Bác Hồ để thấy chúc nhau giầu là hợp với lòng mong mỏi của Bác, tài liệu được dẫn chứng cụ thể. Ngày 20-2-1947, Bác Hồ nói chuyện với các đại biểu thân sĩ, trí thức, xin trích:
 
"Một bên cần, một bên kiệm, ở ta nó là mới nhưng thực ra nó rất xưa, ở sách Đại học có câu: Làm cho nhiều, tiêu thì ít, làm chóng tiêu chậm, tức là đầy đủ. Nghèo trở nên đủ, đủ trở nên giầu, giầu thì giầu thêm.” (Hồ Chí Minh toàn tập – tập 5 trang 60).
 
Mặt trận cũng được trở về như thời còn mặt trận Việt minh, các thành phần giai cấp cho là bóc lột không còn được tham gia Mặt trận sau Đại thắng mùa Xuân 1975, nay lại là thành viên chính thức của Mặt trận. 10 năm trong cơ chế quan liêu, bao cấp, Mặt trận dần dần hành chính hóa, đảng hóa và cách bố trí cán bộ toàn những người sắp về hưu điều về mặt trận làm cho mặt trận không có thực lực, không thể hoạt động độc lập, trở thành một cơ quan của tỉnh, của thành phố, nhiều nơi vẫn gọi là "cây cảnh” của cấp ủy. Tại cuộc họp các vị nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước góp ý vào dự thảo báo cáo chính trị trình bày tại Đại hội mặt trận tổ quốc lần thứ VI sẽ họp cuối năm 2004, cố vấn Võ Văn Kiệt đã phân tích nguyên nhân Đảng và Nhà nước xa dân: 
 
"Xu hướng đảng hóa, nhà nước hóa các tổ chức chính trị ngày càng rõ nét, ví dụ như hầu hết ủy viên Bộ chính trị là đại biểu Quốc hội, chỉ trừ một vị. Ngay trong mặt trận cũng vậy, đại biểu tiêu biểu dân tộc hiện nay đều là cán bộ đảng, nhà nước  chứ không phải là lãnh tụ do các dân tộc tín nhiệm bầu ra. Trong kháng chiến cán bộ còn cà răng, căng tai để đồng cam cộng khổ với nhân dân, ngày nay chính con em các dân tộc đều bị Đảng hóa, Nhà nước hóa, không còn là người của dân tộc nữa, đây chính là tệ xa rời quần chúng phổ biến trong hệ thống chính trị. Hàng vạn người đi khiếu kiện, tố cáo kêu oan mỗi năm chứng tỏ các đoàn thể, các tổ chức chính trị chưa đủ độ tin cậy với nhân dân”.
 
Nguyên Bí thư Trung ương Đảng Hoàng Tùng đồng tình với những ý kiến của ông Võ Văn Kiệt, ông nói:
 
"Mặt trận phải thể hiện và cần được tạo điều kiện để thể hiện rõ vai trò, vị trí tập hợp quần chúng nhân dân , nếu không tập hợp được mất dân là mất tất cả.” (Nhìn thẳng vào sự thật – Báo Đại đoàn kết ngày 13-1-2004).
 
Từ xa xưa ông cha ta chăm sóc đặc biệt các dân tộc thiểu số, hàng ngàn cây số biên giới là nơi sinh sống của các dân tộc thiểu số, chỉ riêng bờ cõi vẫn được giữ gìn toàn vẹn đến ngày nay cũng thấy đồng bào không hề tiếc công, tiếc của, cả xương máu. Nhà Lý lên cầm quyền năm 1010, các vua đầu thời Lý thường đem con gái, em gái mình gả cho các thủ lĩnh dân tộc thiểu số. Là con, là em vua lại thêm con thêm cháu dòng dõi nhà vua, các dân tộc thiểu số càng gắn bó thân thiết với triều đình chống giặc ngoại xâm do nhà Tống cầm đầu. Mỗi lần có giặc ngoại xâm xâm phạm bờ cõi, hầu hết thủ lĩnh dân tộc đều cầm quân ra trận. Nhân dân các dân tộc thiểu số nhà có 8 người lớn thì 7 người, nếu có 6 người thì 5 người lên đường đánh giặc. (Tài liệu này được ghi trong sách "Túc tư tri thông giám trường biên” của nhà Tống).
 
Cách mạng tháng 8 thành công, Nhà nước dân chủ cộng hòa ra đời Bác Hồ cử ông Trần Đăng Ninh, một lãnh đạo của Đảng đến Đồng Văn (Hà Giang) mời Vua Mèo Vương Chí Sình về thăm Hà Nội. Ông nhận lời ngay và gặp Chủ tịch nước, Vua Mèo mừng rỡ thấy Chủ tịch coi ông như người thân lâu ngày mới gặp, còn buộc chỉ cổ tay với ông để từ nay nhận là anh em. Bác Hồ giao cho ông trọng trách đứng đầu chính quyền Trung ương Mặt trận Liên Việt và vinh dự cho ông Chủ tịch nước giới thiệu ông ra ứng cử vào Quốc hội khóa I. Từ năm 1010, nhà Lý lên cầm quyền đến Nhà nước dân chủ cộng hòa 1945, thời gian gần 1000 năm nhưng vẫn một mục tiêu chăm sóc hết lòng dân tộc thiểu số, trước hết trân trọng những người đứng đầu, những thân hào, nhân sĩ được quần chúng thiểu số ngưỡng mộ.
 
Ngày nay các chương trình xóa đói giảm nghèo vẫn dành phần lớn cho vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao đời sống về mọi mặt của các dân tộc thiểu số được cải thiện đáng kể, điện đã đến nhiều bản làng phum sóc nhưng nhiều lãnh đạo trung ương không còn gần gũi dân tộc thiểu số như trước. Điều  này cũng dễ hiểu vì ngay các vùng đồng bằng giao thông rất thuận lợi lãnh đạo trung ương cũng xa cơ sở, xa dân.  Một Đảng duy nhất lãnh đạo, duy nhất cầm quyền dứt khoát phải có một mặt trận có đủ trình độ, năng lực, dũng khí giám sát và phản biện xã hội nếu  không Đảng sẽ đơn độc dễ lâm vào cảnh "mẹ hát con khen hay”, khi hệ thống chính trị đã bị nhà nước hóa, đảng hóa. Chưa bao giờ bệnh thành tích lại lây lan khắp các bộ, ngành, các địa phương như những năm gần đây. Cùng với tham nhũng, lãng phí, bệnh thành tích tàn phá ghê gớm, nếu chỉ nhìn vào ngành giáo dục đào tạo, hậu qủa vô cùng tai hại. Ở đâu cũng có dối trá, lừa bịp, dân và cán bộ biết cả nhưng không nói được, nói ở đâu và nói có được an toàn không? Từ lâu dân và cán bộ vẫn mong mỏi khắc khoải bao giờ mặt trận trở lại với chức năng đích thực được ghi trong hiến pháp, mặt trận giám sát các hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ công chức nhà nước đây là vấn đề quốc tử của đất nước càng chậm càng khó xoay chuyển tình hình. Mặt trận xa rời chức năng đích thực là giám sát phản biện xã hội và dành quá nhiều thời gian vào những việc đáng lẽ các ngành khác làm.
 
Thiếu hẳn sự giám sát của nhân dân, Mặt trận chưa được độc lập lại chịu sự lãnh đạo của cấp ủy và cơ quan chính quyền, nhiều cán bộ cao cấp được nuông chiều quá đáng, không có trách nhiệm cá nhân, bộ ngành và địa phương xảy ra tham nhũng, lãng phí lớn, thủ trưởng chẳng phải từ chức hoặc cách chức tại Quốc hội vẫn chưa có bãi miễn và bỏ phiếu tín nhiệm, cán bộ Đảng được giới thiệu tham gia bộ máy Nhà nước không phải tranh cử và do Đảng chỉ định. Cán bộ cao cấp được nuông chiều như thế nào, báo chí đã đăng nhận xét của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh xin trích:
 
"Vùng cấm” tràn lan đâu cũng có "vùng cấm” không được phê bình, đụng chạm trong Đảng đương nhiên xuất hiện những "siêu đảng viên” hàng chục năm chẳng phải tự phê bình, tự kiểm điểm nhưng khen ngợi tâng bốc thì quá nhiều, quá đáng, cùng với tuyên dương đề bạt”.
 
Đối với nhiều cán bộ cao cấp, ưu tiên được dành cho quá nhiều, trong thực chất là những đặc quyền đặc lợi hết sức tệ hại, trong hoàn cảnh như vậy đứng vững trước mọi cám dỗ là vô cùng khó khăn, không suy thoái về đạo đức, lối sống mới lạ. Giám sát cơ quan nhà nước, giám sát cán bộ là quyền của dân, quyền của những người chủ đất nước đối với các quan chức được dân giao quyền. Giám sát và phản biện là trách nhiệm của Mặt trận đối với Đảng và Nhà nước cũng là lý do tồn tại của Mặt trận. Thế nhưng bao nhiêu năm qua giám sát và phản biện xã hội vắng hẳn, thỉnh thoảng mới nhắc đến và chỉ riêng việc này thôi cũng thấy trách nhiệm không nhỏ của Mặt trận đối với nhiều yếu kém đang thách thức sự tồn vong của chế độ ta. Trước hết nguyên nhân vì đâu Mặt trận lại xa rời giám sát và phản biện xã hội? Nguyên nhân đã được nhắc đến từ lâu nhưng mãi không khắc phục được: Công tác Mặt trận bị coi nhẹ, vẫn làm nhưng không đúng hướng, say sưa với những việc chưa làm cũng được còn nhiều ngành khác làm nhưng việc chính của Mặt trận, chỉ Mặt trận mới làm được và không ngành nào thay thế nổi là giám sát và phản biện xã hội lại không làm. Công tác mặt trận đáng lẽ phải kiên quyết uốn nắn lệch lạc này, hơn nữa lại "đổ thêm dầu vào lửa”, ra sức khuếch trương thành tích tuyên truyền cho những việc đáng lẽ Mặt trận chỉ cần tham gia có mức độ và không phê phán nghiêm khắc việc Mặt trận còn rất xa mới hoàn thành nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội.
 
Công tác mặt trận là cuộc vận động quần chúng, rộng lớn, thường xuyên liên tục, không ngừng không nghỉ trong các thành phần dân cư đa dạng, phong phú ngành nghề khác nhau, tôn giáo dân tộc khác nhau, chính kiến khác nhau nhưng cùng là dân của nước Việt Nam, của mẹ Việt Nam với tình cảm thiêng liêng yêu nước, thương dân lúc nào cũng trên hết đã yêu nước phải yêu thương dân vì mất dân là mất tất cả. Xưa nay thế, mất nước nhưng còn dân thì cuối cùng lại còn tất cả. Ngay sau giám sát và phản biện xã hội, công tác Mặt trận còn phải rất quan tâm đến dân chủ hóa công tác cán bộ và loại bỏ sớm quan niệm bảo thủ cho công tác cán bộ phải bí mật.
 
Giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận lúc nào cũng đặt trên hàng đầu vì tầm quan trọng  sống còn của nó, đặc biệt sau Nghị quyết "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, càng thấy đúng đắn hơn bao giờ hết, phải có tai mắt của đông đảo dân và cán bộ hàng ngày soi rọi vào mọi hoạt động của bộ máy Đảng  và Nhà nước, kịp thời phát hiện và ngăn chặn mọi hành động tiêu cực, chắc chắn đẩy lùi và tiến tới loại bỏ mọi suy thoái đạo đức, lối sống của cán bộ có chức quyền. Thực hiện được trọng trách này không phải dễ nếu Mặt trận vẫn chưa thoát khỏi những tồn tại nêu trên, như phát biểu của đồng chí Trường Chinh tại Đại hội Đảng lần thứ VI, đến nay còn nguyên vẹn tính thời sự, xin trích:
 
"Là người lãnh đạo, Đảng không thể sa vào công việc sự vụ hàng ngày, làm thay công việc của cả hệ thống chính trị, can thiệp quá sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, bận bịu, tất bật đến nỗi không còn thời gian để suy nghĩ đến chức năng lãnh đạo của mình. Là người lãnh đạo, Đảng có một tầm nhìn bao quát tổng thể các lĩnh vực, các vấn đề phải xử lý, có thể nắm bắt được các xu thế vận động của các khả năng, dự báo được triển vọng của tình hình trong tương lai nhất định. Là người cầm lái, Đảng không làm những việc của người bơi chèo. Nếu những người bơi chèo không làm được những việc của người cầm lái thì người cầm lái càng không nên bao biện làm thay chức năng của người bơi chèo. (Trường Chinh với hành trình đổi mới tư duy – Trần Nhâm – Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – trang 227).
 

theo daidoanket.vn

Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 0 Trung bình: NaN
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển